Một phần là do sự phổ cập Internet,ọcđểlàmgìtyphu88 các lựa chọn du học rẻ hơn và tốt hơn, quan trọng không kém, các trường học ở các nước phát triển thích ứng bằng cách tiếp nhận số lượng sinh viên nước ngoài lớn hơn.
Với tư cách một giáo sư từng dạy đại học nhiều năm ở Mỹ, tôi muốn nói về tương lai của việc du học đối với người Việt trẻ. Những suy nghĩ này còn xuất phát từ kinh nghiệm sống và làm việc của tôi tại Việt Nam.
Bối cảnh du học thuận lợi hơn nhưng tiềm ẩn một vấn đề nội tại: du học chỉ để thỏa mãn kỳ vọng hay ước mơ của ai đó, thay vì suy nghĩ kỹ về mục tiêu mong muốn cũng như phương pháp để đạt được mục tiêu đó.
Vì vậy, ý đầu tiên của tôi là đừng quyết định du học chỉ vì bạn đã được mời nhập học. Trong hai thập kỷ qua, các cơ sở giáo dục ở các nước tiên tiến đã tạo ra rất nhiều "chỗ" mới và bây giờ họ cần phải lấp đầy chúng. Chúng ta không nên bắt xe buýt đến một địa điểm không xác định chỉ vì có thể mua vé. Hơn thế, nên nghĩ đến mục đích khi đầu tư khá nhiều thời gian và tiền bạc vào việc này.
Tôi nói vậy không có nghĩa du học là sai. Học ở nước ngoài vẫn có tiềm năng tạo ra cơ hội tốt cho mỗi người trẻ, không chỉ về mặt sự nghiệp mà còn liên quan đến sự phát triển cá nhân. Tuy nhiên, theo tôi, có một thay đổi căn bản đang diễn ra khiến du học không còn là sự đảm bảo cho tương lai nữa.
Hãy nhìn từ góc độ lịch sử. Cơ hội du học ngày càng tăng không tự nhiên xuất hiện, mà là hệ quả của một quá trình lớn hơn, mà các học giả gọi là "đại chúng hóa" các trường đại học. Thuật ngữ này không chỉ đề cập đến sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng và quy mô của các trường mà còn đề cập đến số lượng nhu cầu mà trường đại học đáp ứng. Vào năm 1980, ngay cả những trường đại học nổi tiếng thế giới như Harvard hay Oxford cũng có ít chuyên ngành và khóa học hơn ngày nay rất nhiều.
Bây giờ hãy nhìn từ góc độ kinh tế. Một thực tế rất tương phản trong thế giới ngày nay là tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng nhưng tìm được việc làm lại khó khăn hơn. Điều này có vẻ phi lý. Nhưng không phải công việc nào cũng giống nhau. Cạnh tranh để có những công việc đòi hỏi kỹ năng cực kỳ khốc liệt. Du học có giúp được gì không? Có thể có và có thể không. Tôi sẽ nói kỹ ở phần dưới.
Tôi đề xuất chia khái niệm du học thành ba phần nhỏ hơn, mỗi phần có những đặc điểm riêng. Để vui và dễ hiểu một chút, tôi dán nhãn các phần này như độ cay của quả ớt.
Cay nhẹ: Một khoảng thời gian ở nước ngoài để nâng cao kỹ năng cơ bản cũng như tích lũy kinh nghiệm cần thiết để sống tự lập.
Cay vừa: Có bằng cấp cơ bản ở nước ngoài, thường là bằng Cử nhân để khi trở về Việt Nam dễ dàng tìm được việc làm và thăng tiến trong cuộc sống.
Cay mạnh: Có bằng cấp rất chuyên ngành, thường là bằng cấp cao, đòi hỏi một quá trình học tập nghiêm ngặt trong một môi trường khắt khe. Những người hoàn thành khóa học này tìm kiếm phần thưởng cao, nhưng để có được chúng, phải cạnh tranh ở cấp độ cao.
Không có gì sai với bất kỳ lựa chọn nào trong số này. Mỗi người tùy khẩu vị sẽ chọn ăn cay mức độ khác nhau. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là lựa chọn "cay vừa" có thể không phải là lựa chọn tốt nhất trong giai đoạn hậu Covid hiện nay.
Nhiều người nói "cay nhẹ" không mang tới đủ kết quả, trong khi "cay mạnh" nằm ngoài tầm với, nên phải lựa chọn "cay vừa". Tuy nhiên, chúng ta nên biết "cay vừa" chỉ hiệu quả nhất trong thời điểm toàn cầu hóa mở rộng. Mọi thứ bây giờ khó khăn hơn.
Giá để có bằng Cử nhân hiện đắt hơn rất nhiều, đặc biệt ở các nước phương Tây, tấm bằng này thường cực kỳ đắt đỏ. Hơn nữa, ngay cả với chi phí cao như vậy, chưa rõ liệu sinh viên có thực sự học được gì không trong mấy năm ở nước ngoài. Trên thực tế, học phí cao khuyến khích lạm phát điểm số và các nhà nghiên cứu đã lập luận rằng chỉ số ít sinh viên có thành tích và động lực cao nhất (đặc biệt những sinh viên tập trung vào các môn học quan trọng) mới được hưởng lợi từ trải nghiệm du học. Và ngay cả họ cũng không nhất thiết sẽ tìm được việc làm khi trở về. Lựa chọn "cay vừa" vì thế không hẳn là đặt cược an toàn.
Còn với phương án "cay nhẹ", tôi hiểu cha mẹ muốn đầu tư vào thứ gì đó nghiêm túc. Chắc chắn, du học phải khác một kỳ nghỉ. Tuy nhiên, một chương trình giúp người trẻ rèn luyện kỹ năng cần thiết - chẳng hạn như tiếng Anh - có thể mang lại lợi ích lâu dài, đặc biệt nếu học sinh tận dụng triệt để cơ hội đó. Có những trường hợp cho thấy một khoảng thời gian sống và học tập tương đối ngắn ở nước ngoài có thể giúp bạn trưởng thành hơn là bốn năm theo đuổi một tấm bằng, đặc biệt nếu học hành nửa vời.
Một người trẻ tài năng và xác định chi nhiều tiền để du học, nên hướng đến mục tiêu bằng cấp cao - điều mà các nền giáo dục tiên tiến có thể làm tốt hơn. Khi đã quyết định theo đuổi một thứ khó khăn, tốn kém, kết quả đầu ra phải là thứ "cay mạnh" - đáp ứng các công việc ở trình độ kỹ năng rất cao và được săn đón.
Nếu một sinh viên nhận thức đầy đủ các rủi ro và cảm thấy sẽ tận dụng tối đa cơ hội để thành công, tìm kiếm một tấm bằng bậc cao ở nước ngoài mới đáng theo đuổi.
David Pickus